điều Kiện đầu Tư đối Với Nhà đầu Tư Nước Ngoài

19/11/2022

             Điều kiện nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo các quy định này, nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam phải đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài trong từng lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên đây là vấn đề mà không phải nhà đầu tư nào khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam đều nắm bắt được do pháp luật của mỗi quốc gia khác nhau cũng như việc tiếp cận pháp luật của người nước ngoài đối với pháp luật Việt Nam còn nhiều hạn chế. Vì vậy, HD Luật xin được gửi tới quý khách một số điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam theo quy định hiện hành.

1. Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là gì?

             Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là các điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong những ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế về đầu tư. Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng đối với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:

            - Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.

            - Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế.

            - Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

            - Nhận chuyển nhượng dự án đầu tư hoặc các trường hợp tiếp nhận dự án đầu tư khác.

            - Sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

            Theo đó, nếu nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh thuộc một trong các trường hợp trên phải đáp ứng các điều kiện đầu tư sau đây.

2. Các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

            Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài gồm:

            - Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

            - Hình thức đầu tư;

            - Phạm vi hoạt động đầu tư;

            - Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

           - Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

           Ngoài các điều kiện này, nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện (nếu có) sau đây:

           - Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;

           - Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;

           - Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;

           - Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;

           - Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;

          - Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

3. Một số nguyên tắc áp dụng điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài

           1. Trừ những ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

           2. Nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường.

         3. Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường này.

          4. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng như sau:

        - Nếu pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

       - Nếu pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.

           5. Nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh nhiều ngành nghề thì phải đáp ứng tất cả các điều kiện của ngành nghề đó.

         6. Nhà đầu tư thuộc quốc gia chưa phải là thành viên WTO thì được áp dụng điều kiện như thành viên WTO trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia đó quy định khác.

          7. Nếu các điều ước quốc tế có quy định điều kiện khác nhau thì nhà đầu tư được lựa chọn và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo một trong các điều ước đó.

          Trên đây là bài viết điều kiện nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Một số ngành nghề có đặc thù riêng liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cũng như nhiều yếu tố khác nên Việt Nam vẫn đặt ra một số quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh trong các ngành nghề này. Tuy nhiên, nhìn chung có thể thấy hiện nay Việt Nam đã và đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng đầu tư vào Việt Nam.

      Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0967 678 613 hoặc email doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với quý khách hàng!

Cùng danh mục

Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

Nếu bạn đang thắc mắc doanh nghiệp tư nhân là gì? Các đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân? Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân như thế nào? Thì hãy theo dõi bài viết sau đây của chúng tôi để được giải đáp các thắc này. Có thể nói trong tất cả các loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân được đánh giá là loại hình đơn giản nhất do chỉ một cá nhân làm chủ. Tuy nhiên, loại hình đơn giản nhất không có nghĩa là các trách nhiệm pháp lý đi kèm sẽ nhẹ nhàng hơn. Mà ngược lại, các trách nhiệm pháp lý đặt ra với doanh nghiệp tư nhân lại chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn so với công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần. Thể hiện rõ ràng và nổi bật nhất ở chỗ chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐƯỢC TÍNH NHƯ NÀO KHI KHÔNG KÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Thuế thu nhập cá nhân là gì? Không có hợp đồng lao động có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không? Cách tính như nào? Thu nhập phải chịu thuế là những thu nhập nào. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ phân tích cho các bạn.