Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

24/04/2024

Nếu bạn đang thắc mắc doanh nghiệp tư nhân là gì? Các đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân? Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân như thế nào? Thì hãy theo dõi bài viết sau đây của chúng tôi để được giải đáp các thắc này. Có thể nói trong tất cả các loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân được đánh giá là loại hình đơn giản nhất do chỉ một cá nhân làm chủ. Tuy nhiên, loại hình đơn giản nhất không có nghĩa là các trách nhiệm pháp lý đi kèm sẽ nhẹ nhàng hơn. Mà ngược lại, các trách nhiệm pháp lý đặt ra với doanh nghiệp tư nhân lại chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn so với công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần. Thể hiện rõ ràng và nổi bật nhất ở chỗ chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

1. Các đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân được quy đinh tại Chương VII Luật Doanh nghiệp 2020. Theo các quy định này, doanh nghiệp tư nhân có các đặc điểm sau đây:           

- Về tư cách pháp nhân: Trong các loại hình doanh nghiệp, chỉ có doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

- Về người làm chủ: Khác với các loại hình doanh nghiệp khác là chủ thể góp vốn có thể là cá nhân và tổ chức thì doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân làm chủ. Cá nhân này sẽ chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Do chỉ có một cá nhân làm chủ nên chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

- Về việc phát hành chứng khoán: Theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào, kể cả trái phiếu.

- Về mối quan hệ với các loại hình khác:

+ Đối với hộ kinh doanh và công ty hợp danh: Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua phần vốn góp trong công ty hợp danh.

+ Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần: Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

2. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

Chủ doanh nghiệp tư nhân chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các tài liệu sau:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân ủy quyển cho người khác làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân thì ngoài các tài liệu trên cần phải có giấy ủy quyền của chủ doanh nghiệp.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trên, chủ doanh nghiệp tư nhân nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp dự kiến đặt trụ sở.

Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho chủ doanh nghiệp tư nhân.

3. Các lưu ý trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp tư nhân

- Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân: Chủ doanh nghiệp tư nhân tự xác định và tự đăng ký số vốn đầu tư. Trong đó nêu rõ số vốn bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ, vàng và các tài sản khác. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp tư nhân. Khi đó, doanh nghiệp tư nhân phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực. Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.

- Chủ doanh nghiệp có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác. Sau khi bán, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.

- Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của pháp luật.

Thông qua bài viết trên đây, hy vọng rằng quý khách đã hiểu rõ về các đặc điểm, thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân và những lưu ý trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Chế độ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân là trách nhiệm vô hạn, do đó khi hoạt động kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân phải hết sức lưu ý.

Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0988.073.181/0984.588.831 hoặc email doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với quý khách hàng!

Cùng danh mục

HỒ SƠ THAY ĐỔI THÔNG TIN CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀ

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, các thương nhân nước ngoài ngày càng quan tâm đến việc mở rộng và củng cố sự hiện diện tại thị trường Việt Nam thông qua các văn phòng đại diện. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, việc thay đổi người đại diện pháp luật của văn phòng đại diện là một yêu cầu tất yếu và quan trọng, nhằm đảm bảo sự phù hợp với chiến lược kinh doanh, điều kiện thực tế và yêu cầu pháp lý. Thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật không chỉ phản ánh sự linh hoạt và thích ứng của doanh nghiệp trước những biến động trong môi trường kinh doanh mà còn đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật hiện hành. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích các khía cạnh pháp lý liên quan đến việc thay đổi người đại diện pháp luật của văn phòng đại diện, cùng những thủ tục cần thiết và lưu ý quan trọng để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và hợp pháp.

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TY MẸ, CÔNG TY CON

Trong môi trường kinh doanh hiện đại, mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con rất quan trọng trong việc mở rộng và tối ưu hóa hoạt động. Theo pháp luật Việt Nam, công ty mẹ có quyền kiểm soát công ty con nhưng phải tuân thủ các quy định nhằm đảm bảo minh bạch và công bằng. Vậy có phải công ty mẹ là công ty ra đời trước công ty con không? Bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về vấn đề này.