Mức phạt vi phạm hợp đồng mới nhất 2024

16/02/2024

Vi phạm hợp đồng là gì?

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Các bên khi đạt được thỏa thuận sẽ tiến hành giao kết hợp đồng nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của mình tránh việc vi phạm thỏa thuận.

Thực tế có không ít trường hợp vi phạm hợp đồng. Vi phạm hợp đồng có thể chủ quan hoặc khách quan, làm ảnh hưởng đến lợi ích của một bên hoặc các bên tham gia giao kết hợp đồng.

Vậy vi phạm hợp đồng là gì? Theo quy định tại Khoản 12, Điều 3, Luật Thương mại 2005 quy định:

“Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”.  

Mặc dù khái niệm vi phạm hợp đồng này chỉ áp dụng cho lĩnh vực thương mại, tuy nhiên đối với các lĩnh vực khác thì khái niệm vi phạm hợp đồng cũng được hiểu tương tự. Có thể hiểu vi phạm hợp đồng nói chung là hành vi của bên có nghĩa vụ theo hợp đồng đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nghĩa vụ của mình.

Lưu ý: Hành vi vi phạm hợp đồng chỉ xảy ra khi hợp đồng được giao kết là hợp đồng hợp pháp và không bị vô hiệu.

Các dạng vi phạm hợp đồng thường gặp

Để hiểu rõ hơn về vi phạm hợp đồng là gì các bên tham gia giao kết cần nắm rõ các dạng vi phạm hợp đồng thường gặp. Có rất nhiều hành vi dẫn đến vi phạm hợp đồng. Căn cứ theo nguyên nhân vi phạm người ta phân loại thành 2 dạng vi phạm hợp đồng như sa

Do hành vi của chủ thể giao kết hợp đồng 

Vi phạm hợp đồng do hành vi của chủ thể giao kết hợp đồng chiếm phần lớn trong số các nguyên nhân vi phạm hợp đồng. Biểu hiện của vi phạm hợp đồng do hành vi của chủ thể giao kết như sau:

  • Chủ thể không thực hiện hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có lý do chính đáng. Hoặc nhận thấy hợp đồng không khả thi, không có lợi cho mình trong thời điểm giao kết.
  • Chủ thể không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mặc dù đã hưởng các quyền lợi từ hợp đồng.
  • Không thực hiện đúng, hoặc chi thực hiện một phần nghĩa vụ của mình được ghi nhận trong hợp đồng.

 Vi phạm quy định của pháp luật khi giao kết, thực hiện hợp đồng

Rất ít chủ thể giao kết hợp đồng có thể nhận ra dạng vi phạm này ngay sau khi ký. Dạng vi phạm này thường được phát hiện sau 1 thời gian thực hiện hợp đồng hoặc khi phát sinh các tranh chấp.

Vi phạm quy định của pháp luật khi giao kết, thực hiện hợp đồng có biểu hiện thường là:

Chủ thể giao kết hợp đồng không đủ năng lực hành vi hoặc không đủ thẩm quyền giao kết hợp đồng;

Vi phạm hình thức của hợp đồng được giao kết (VD: hợp đồng không được giao kết bằng văn bản, hợp đồng buộc phải giao kết dưới dạng hợp đồng giấy tuy nhiên  lại giao kết bằng hợp đồng điện tử) 

Đối tượng giao kết hợp đồng bị pháp luật cấm (VD: đối tượng giao kết là mua bán động vật quý hiếm/ ma túy/ thuốc cấm/ súng mà không được pháp luật cho phép)

Bị ép buộc, lũa dối giao kết hợp đồng và không bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, trung thực.

Hợp đồng thiếu nội dung cơ bản được quy định bởi Pháp luật về loại hợp đồng giao kết. 

Có rất nhiều các vi phạm hợp đồng do vi phạm quy định của pháp luật khi giao kết thực hiện hợp đồng. Để nắm rõ các bên cần nắm rõ Pháp luật về hợp đồng và Luật giao kết hợp đồng điện tử, các quy định khi thực hiện giao dịch điện tử.

Mức phạt vi phạm hợp đồng dân sự mới nhất 2024

Căn cứ theo Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng dân sự như sau:

- Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

- Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

- Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Như vậy, mức phạt vi phạm hợp đồng dân sự do các bên thỏa thuận.

Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại mới nhất 2024

Cụ thể tại Điều 300 và 301 Luật Thương mại 2005 quy định về phạt vi phạm hợp đồng thương mại như sau:

Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm sau đây:

- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

- Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp kết quả giám định sai:

- Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.

- Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi cố ý của mình thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho khách hàng trực tiếp yêu cầu giám định.

- Khách hàng có nghĩa vụ chứng minh kết quả giám định sai và lỗi của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định.

Như vậy, mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Năm 2024 Tiền phạt vi phạm hợp đồng có phải xuất hóa đơn không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT như sau:

Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

  1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

…..

Ngoài ra, theo khoản 13 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC sửa đổi bởi khoản 1 Điều 5 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định về thu nhập khác như sau:

Thu nhập khác

Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập sau:

…..

  1. Trường hợp doanh nghiệp có khoản thu về tiền phạt, tiền bồi thường do bên đối tác vi phạm hợp đồng hoặc các khoản thưởng do thực hiện tốt cam kết theo hợp đồng phát sinh cao hơn khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng (các khoản phạt này không thuộc các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính), sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác.

Trường hợp doanh nghiệp có khoản thu về tiền phạt, tiền bồi thường do bên đối tác vi phạm hợp đồng hoặc các khoản thưởng do thực hiện tốt cam kết theo hợp đồng phát sinh thấp hơn khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng (các khoản phạt này không thuộc các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính), sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại tính giảm trừ vào thu nhập khác. Trường hợp đơn vị trong năm không phát sinh thu nhập khác thì được giảm trừ vào thu nhập hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các khoản thu về tiền phạt, tiền bồi thường nêu trên không bao gồm các khoản tiền phạt, tiền bồi thường được ghi giảm giá trị công trình trong giai đoạn đầu tư.

Thông qua các quy định trên, năm 2024 đối với khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng mà công ty nhận được thì không phải kê khai, xuất hóa đơn, tính nộp thuế GTGT mà chỉ cần lập chứng từ thu tiền và hạch toán vào thu nhập khác của thuế TNDN theo quy định.

Đối với bên trả tiền phạt hợp đồng thì lập chứng từ chi tiền căn cứ mục đích chi. Mặt khác, hạch toán đối với khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng được thực hiện như sau:

– Trường hợp khoản thu về tiền phạt vi phạm hợp đồng cao hơn khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng: Sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác của thuế TNDN.

– Trường hợp khoản thu về tiền phạt vi phạm hợp đồng thấp hơn khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng: Sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại tính giảm trừ vào thu nhập khác.

*Trường hợp công ty trong năm không phát sinh thu nhập khác thì được giảm trừ vào thu nhập hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0988.073.181/0984.588.831 hoặc email lawyers@hdluat.com - doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với Quý khách hàng!

Cùng danh mục

CÓ CẦN ĐỔI CON DẤU KHI CẬP NHẬT ĐỊA CHỈ DOANH NGHIỆP?

Trong giai đoạn hiện nay, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã đang diễn ra theo chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước. Điều này kéo theo sự thay đổi tên gọi của nhiều địa phương. Với doanh nghiệp, đây là yếu tố có thể ảnh hưởng đến thông tin địa chỉ ghi nhận trên các loại giấy tờ pháp lý, bao gồm cả con dấu doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp băn khoăn liệu có cần thay đổi con dấu khi địa chỉ khắc trên dấu không còn phù hợp với tên địa phương mới. Bài viết này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ quy định pháp luật hiện hành và cách xử lý phù hợp.

DẠY HỌC ONLINE CÓ PHẢI ĐĂNG KÝ KINH DOANH KHÔNG?

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, một trong những điều kiện bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và có thu tiền của học sinh là phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Quy định này nhằm đảm bảo tính minh bạch, có sự quản lý của cơ quan chức năng đối với các hoạt động giáo dục diễn ra ngoài khuôn khổ trường học chính quy. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có không ít cá nhân lựa chọn hình thức dạy học trực tuyến tại nhà thông qua các nền tảng công nghệ mà không trực thuộc bất kỳ tổ chức, trung tâm hay cơ sở giáo dục nào. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu những cá nhân dạy học online với hình thức độc lập như vậy có phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh hay không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những phân tích chi tiết nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, từ đó có hướng đi phù hợp và đúng quy định pháp luật khi tham gia vào lĩnh vực dạy học trực tuyến.