CÁC TRƯỜNG HỢP NGƯỜI NỘP THUẾ BỊ ẤN ĐỊNH THUẾ

03/05/2024

1. Căn cứ pháp lý

  • Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019;
  • Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
  • Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Ấn định thuế là gì?

Theo Khoản 1 Điều 48 Thông tư 38/2015/TT-BTC: “Ấn định thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này là việc cơ quan hải quan thực hiện quyền hạn xác định các yếu tố, căn cứ tính thuế và tính thuế, thông báo, yêu cầu người nộp thuế phải nộp số tiền thuế do cơ quan hải quan xác định thuộc các trường hợp nêu tại Khoản 2 Điều này”

Hiểu một cách đơn giản, người nộp thuế bị cơ quan thuế ấn định thuế sẽ phải nộp thuế theo số tiền nhất định chứ không được chủ động khai, nộp thuế theo quy định như thông thường.

3. Các trường hợp người nộp thuế bị ấn định thuế

Theo Điều 14 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì người nộp thuế bị cơ quan thuế ấn định số tiền thuế phải nộp trong 12 trường hợp sau:

- Không đăng ký thuế theo quy định tại Điều 33 Luật Quản lý thuế.

- Không khai thuế hoặc kê khai thuế không đầy đủ, trung thực, chính xác theo quy định tại Điều 42 Luật Quản lý thuế.

- Không nộp bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế hoặc đã bổ sung hồ sơ thuế nhưng không đầy đủ, trung thực, chính xác các căn cứ tính thuế để xác định số thuế phải nộp.

- Không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế.

- Không xuất trình sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan đến việc xác định các yếu tố làm căn cứ tính thuế; xác định số tiền thuế phải nộp trong thời hạn quy định hoặc khi đã hết thời hạn kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế.

- Không chấp hành quyết định kiểm tra thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định, trừ trường hợp được hoãn thời gian kiểm tra theo quy định.

- Không chấp hành quyết định thanh tra thuế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký quyết định, trừ trường hợp được hoãn thời gian thanh tra theo quy định.

- Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường.

- Mua, trao đổi hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn mà hàng hóa, dịch vụ là có thật theo xác định của cơ quan có chức năng điều tra, thanh tra, kiểm tra và đã được kê khai doanh thu, chi phí tính thuế.

- Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế.

- Thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh nhằm mục đích giảm nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

- Không tuân thủ quy định về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết hoặc không cung cấp thông tin theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.

4. Ai có thẩm quyền ấn định thuế?

- Về thẩm quyền ấn định thuế: Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục thuế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế là những người có thẩm quyền ấn định thuế.

- Về thủ tục ấn định thuế: 

  • Khi ấn định thuế, cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về việc ấn định thuế và ban hành quyết định ấn định thuế (Mẫu số 01/AĐT tại Phụ lục III Nghị định 126/2020/NĐ-CP).
  • Trường hợp cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế qua kiểm tra thuế, thanh tra thuế thì lý do ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế, số tiền thuế ấn định, thời hạn nộp tiền thuế phải đc ghi trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế.
  • Trường hợp người nộp thuế bị ấn định thuế theo quy định thì cơ quan thuế xử phạt hành vi vi phạm hành chính và tính tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định của pháp luật.

Trên đây là các trường hợp người nộp thuế bị ấn định thuế. Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 02462.930.982 – 0988073181 hoặc email lawyers@hdluat.com - doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với Quý khách hàng!

Cùng danh mục

HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP TRONG TRƯỜNG HỢP BỊ THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP HOẶC THEO QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Giải thể doanh nghiệp là thủ tục chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, với tư cách là một chủ thể kinh doanh bằng cách thanh lý tài sản của doanh nghiệp để trả cho các chủ nợ. Giải thể là thủ tục để doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách hợp pháp. Vậy đăng ký giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án cần lưu ý những gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Trong quá trình thực hiện dự án, thông tin trên Giấy chứng nhận đầu tư có thể bị thay đổi tuỳ theo mục đích và phương hướng hoạt động của dự án đầu tư do nhà đầu tư quyết định, khi đó nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Do nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vì vậy, khi nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư thì phải thực hiện cả hai thủ tục là thay đổi trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hiện nay, thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi thực hiện thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quý khách cần lưu ý các vấn đề sau.