NHỮNG LƯU Ý VỀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP MỚI NHẤT 2024

05/06/2024

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là loại thuế trực thu, được tính trên cơ sở thu nhập tính thuế trong kỳ và thuế suất. Đây là một trong những nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước. Vậy cần lưu ý những gì về thuế thu nhập doanh nghiệp? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 quy định về đối tượng chịu thuế TNDN như sau:

Người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi là doanh nghiệp) theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, gồm:

- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;

- Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;

- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập;

Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp

* Công thức tính thuế TNDN

Căn cứ Điều 6 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, Điều 5 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, thuế TNDN được tính như sau:

Thuế TNDN = Thu nhập tính thuế trong kỳ x Thuế suất [1]

Như vậy, để tính được số thuế phải nộp cần phải biết thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể:

(1) Thu nhập tính thuế:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định [2]

Trong đó, thu nhập chịu thuế TNDN được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế = Doanh thu - Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác [3]

(2) Thuế suất thuế TNDN:

Căn cứ Điều 10, Điều 13 và Điều 14 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013 và Điều 10 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, mức thuế suất thuế TNDN là 20%.

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp áp dụng mức thuế suất cao hơn như doanh nghiệp hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam hoặc áp dụng thuế suất ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao nên mức nộp thấp hơn.

* Các bước tính thuế TNDN

Về mặt lý thuyết, thuế TNDN được tính theo các bước sau:

Bước 1: Tính doanh thu trong kỳ tính thuế, chi phí được trừ, các khoản thu nhập khác

Bước 2: Tính thu nhập chịu thuế theo công thức [3]

Bước 3: Tính thu nhập được miễn thuế, các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định

Bước 4: Tính thu nhập tính thuế TNDN theo công thức [2]

Bước 5: Tính thuế TNDN phải nộp theo công thức [1]

Lưu ý: Trên đây chỉ là quy trình tính thuế TNDN theo quy định của pháp luật. Trên thực tế kế toán nhập dữ liệu trên phần mềm mà doanh nghiệp đang sử dụng và gửi cho cơ quan thuế sẽ cần nhiều thao tác phức tạp hơn.

Xác định doanh thu tính thuế như thế nào?

Theo Điều 8 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, doanh thu tính thuế TNDN được quy định rõ như sau:

- Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Đối với doanh nghiệp kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế thì doanh thu tính thuế TNDN là doanh thu không có thuế giá trị gia tăng.

Đối với doanh nghiệp kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng thì doanh thu tính thuế TNDN bao gồm cả thuế giá trị gia tăng.

- Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hàng hóa bán ra là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.

Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ.

- Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp cụ thể xem chi tiết tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 218/2013/NĐ-CP và khoản 3 Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC.

 

Cùng danh mục

THỦ TỤC THAY ĐỔI NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT TRONG CÔNG TY

Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ như sau: a) Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật; b) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật mới; c) Đối với loại hình công ty thì chọn các văn bản phù hợp như sau: - Công ty TNHH Một thành viên: Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty;

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG CHI NHÁNH

Trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển, việc mở rộng thị trường kinh doanh là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều công ty đã lựa chọn phương án thành lập chi nhánh. Bài viết này sẽ trình bày những nội dung cơ bản về việc đăng ký hoạt động chi nhánh chi nhánh của công ty theo quy định pháp luật hiện hành.