HƯỚNG DẪN THỦ TỤC TẠM NGỪNG KINH DOANH CỦA HỘ KINH DOANH CÁ THỂ

19/06/2024

Căn cứ pháp lý

- Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Về đăng kí doanh nghiệp

- Nghị định 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kê hoạch và đầu tư

- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng kí doanh nghiệp

- Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế

Hộ kinh doanh cá thể là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về Đăng kí doanh nghiệp “Hộ kinh doanh cá thể là hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”.  

Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng kí kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên gia đình làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng kí hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

Thời hạn tạm dừng kinh doanh của hộ kinh doanh

Tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh là việc hộ kinh doanh muốn tạm ngừng việc kinh doanh của mình trong một khoảng thời gian nhất định vì các lý do khác nhau.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:  Hộ kinh doanh cá thể có thể tạm ngừng kinh doanh trong thời gian không quá 01 năm và phải thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh hộ cá thể với cơ quan có thẩm quyền.

- Trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên: hộ kinh doanh phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng kí kinh doanh và thông báo trước 15 ngày và gửi đề nghị miễn giảm thuế theo mẫu 01/MGTH ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC cho Cơ quan thuế trực tiếp quản lý

- Trường hợp tạm ngừng kinh doanh trước thời hạn đã thông báo: phải gửi thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là nơi hộ kinh doanh đã đăng ký ít nhất 03 ngày làm việc trước khi tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Thủ tục tạm ngừng kinh doanh hộ kinh doanh cá thể

  • Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Khi yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:

- Thông báo xin tạm ngừng hoạt động kinh doanh (theo mẫu tại Phụ lục III-4 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).

- Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể.

- Bản sao giấy tờ nhân thân của chủ thể nộp hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh hộ cá thể.

- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo (đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh).

- Giấy ủy quyền nếu việc thông báo thực hiện tạm ngừng kinh doanh được thực hiện bởi chủ thể không phải là người đại diện hợp pháp của hộ kinh doanh.

  • Trình tự, thủ tục tạm ngừng kinh doanh

Bước 1: Nộp hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh hộ cá thể

- Ít nhất là trước khi tạm dừng kinh doanh hộ cá thể 15 ngày, hộ cá thể nộp hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh hộ cá thể cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

- Nộp 01 bộ hồ sơ đến Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

Bước 2: Nhận kết quả tạm ngừng kinh doanh hộ cá thể

- Sau khi tiếp nhận thông báo, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận hồ sơ cho hộ kinh doanh.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh, Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo cho hộ kinh doanh.

Xử lý vi phạm khi hộ kinh doanh cá thể không thông báo khi tạm ngừng kinh doanh

Theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, hành vi tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi, nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0988.073.181/0984.588.831 hoặc email lawyers@hdluat.com - doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với Quý khách hàng!

Cùng danh mục

NGƯỜI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP CÓ THỂ ĐĂNG KÝ TÊN DOANH NGHIỆP CỦA MÌNH TRÙNG VỚI TÊN DOANH NGHIỆP KHÁC ĐƯỢC KHÔNG?

Việc đăng ký tên doanh nghiệp là một bước quan trọng trong quá trình thành lập và xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc liệu có thể đăng ký tên doanh nghiệp trùng với tên của doanh nghiệp khác hay không. Điều này không chỉ liên quan đến quy định pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và sự cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Hãy cùng HD Luật tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

HỒ SƠ THAY ĐỔI THÔNG TIN CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀ

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, các thương nhân nước ngoài ngày càng quan tâm đến việc mở rộng và củng cố sự hiện diện tại thị trường Việt Nam thông qua các văn phòng đại diện. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, việc thay đổi người đại diện pháp luật của văn phòng đại diện là một yêu cầu tất yếu và quan trọng, nhằm đảm bảo sự phù hợp với chiến lược kinh doanh, điều kiện thực tế và yêu cầu pháp lý. Thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật không chỉ phản ánh sự linh hoạt và thích ứng của doanh nghiệp trước những biến động trong môi trường kinh doanh mà còn đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật hiện hành. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích các khía cạnh pháp lý liên quan đến việc thay đổi người đại diện pháp luật của văn phòng đại diện, cùng những thủ tục cần thiết và lưu ý quan trọng để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và hợp pháp.