Thủ tục thành lập công ty kinh doanh nhà hàng mới nhất 2024

26/06/2024

Điều kiện để thành lập công ty kinh doanh nhà hàng

Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm

Công ty kinh doanh nhà hàng là một trong những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Nhà hàng cần đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm như sau:

  • Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.
  • Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
  • Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
  • Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng.
  • Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại.

Điều kiện phòng cháy chữa cháy

Theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, nhà hàng, cửa hàng ăn uống được xác định là cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy. Đối với nhà hàng, cửa hàng ăn uống có tổng diện tích kinh doanh từ 500 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên được xác định là Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Đối với nhà hàng, cửa hàng ăn uống có tổng khối tích từ 3.000 m3 trở lên thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

Theo đó, phụ thuộc vào quy mô kinh doanh mà doanh nghiệp cần phải thực hiện các công việc kiểm tra, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, báo cáo,… theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

Điều kiện về mã ngành nghề kinh doanh

Tùy thuộc vào số lượng người góp vốn, tổng vốn đầu tư và nhu cầu huy động vốn mà chủ thể kinh doanh có thể lựa chọn một trong những mô hình công ty phổ biến hiện nay như công ty cổ phần, công ty trách nhiện hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Lưu ý điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài

Đối với dịch vụ nhà hàng, Việt Nam đã cam kết tại Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ trong WTO với dịch vụ cung cấp thức ăn (CPC 642) và dịch vụ cung cấp đồ uống (CPC 643).

Theo đó, tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành dịch vụ  nhà hàng là không hạn chế. Ngoài ra, trong vòng 8 năm kể từ ngày gia nhập, việc cung cấp dịch vụ cần tiến hành song song với đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hoặc mua lại khách sạn. Hiện nay, điều kiện này đã hết thời hiệu duy trì.

Tuy nhiên, để thành lập công ty kinh doanh nhà hàng tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần tiến hành thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi xin tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Thủ tục thành lập công ty kinh doanh nhà hàng

Bước 1: Xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

  • Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư.
  • Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với công ty kinh doanh nhà hàng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
  • Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện.

Bước 2: Xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

  • Người thành lập công ty kinh doanh nhà hàng hoặc người được ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính..
  • Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
  • Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Bước 3: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

  • Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai.
  • Doanh nghiệp nộp phí và gửi Giấy đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp tới Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.
  • Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây: Ngành, nghề kinh doanh; Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).

Bước 4: Khắc dấu công ty

Hiện nay sau khi khắc dấu, cũng như các loại hình doanh nghiệp khác, công ty tự quản lý con dấu mà không phải thực hiện thủ tục đăng bố cáo con dấu như trước đây. Công ty có quyền khắc nhiều con dấu mà không có bất kỳ hạn chế nào. Các con dấu của doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo đồng nhất về mặt hình thức và có thông tin tên, mã số doanh nghiệp.

Bước 5: Xin các loại Giấy phép con

Xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Trừ trường hợp nhà hàng trong khách sạn theo Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, thì các nhà hàng còn lại phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động. Theo đó:

  • Công ty kinh doanh nhà hàng cần nộp hồ sơ xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Khoản 1 Điều 36 Luật An toàn thực phẩm 2010 đến Sở Công thương.
  • Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công thương kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại nhà hàng; nếu đủ điều kiện thì cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  • Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm (Điều 7 Thông tư 43/2018/TT-BCT).

Xin Giấy phép khác

  • Xin cấp Giấy phép bán lẻ thuốc lá (nếu có bán thuốc lá trong cửa hàng) theo Nghị định 67/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP.
  • Xin cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu (đối với nhà hàng có bán lẻ rượu để phục vụ khách) theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP

Trong trường hợp công ty thực hiện bán lẻ thuốc lá và bán rượu mà không có Giấy phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồn theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP (mức phạt với tổ chức).

Một số công ty kinh doanh nhà hàng hiện nay

Công ty cổ phần tập đoàn Golden Gate

Công ty cổ phần tập đoàn Golden Gate có trụ sở chính tại số 60, phố Giang Văn Minh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. GPĐK: 0102721191 cấp ngày 09/04/2008.

Golden Gate là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, với 5 phong cách ẩm thực chính, bao gồm: Lẩu, Nướng, Á, Âu và quán cà phê. Golden Gate hiện sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm và vẫn đang không ngừng nỗ lực phát triển hơn.

Công ty QSR Việt Nam

Công ty cổ phần thương mại QSR Việt Nam có địa chỉ tại 77 Trần Nhân Tôn, Phường 09, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, được cấp GPKD ngày 09/04/2013.

Được thành lập từ năm 2013, QSR Việt Nam là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ chuỗi nhà hàng tại Việt Nam với hệ thống gần 150 nhà hàng, trải dài khắp 20 tỉnh thành trên cả nước. Được biết đến với với các thương hiệu nổi tiếng đến đến từ Mỹ như:  Dairy Queen®, Swensen‘s, The Pizza Company, AKA House, Holy Crab, Chang và The Coffee Club.

Công ty Cổ phần Redsun (Goldsun Food) Việt Nam

Redsun – Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt Trời Đỏ thành lập vào ngày 19/2/2008, sau này đổi tên thành Goldsun Food (GSF) – Công ty Ẩm thực Mặt Trời Vàng.

Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, GSF đã trở thành một trong những thương hiệu ẩm thực hàng đầu Việt Nam với hơn 200 nhà hàng trên toàn quốc. Không chỉ thế, GSF còn nằm trong top 3 doanh nghiệp sở hữu nhiều thương hiệu ẩm thực nhất tại Việt Nam với 13 cái tên “đình đám” như King BBQ, ThaiExpress, Seoul Garden, Capricciosa, Tasaki BBQ, Meiwei, Khao Lao…

 

Cùng danh mục

NGƯỜI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP CÓ THỂ ĐĂNG KÝ TÊN DOANH NGHIỆP CỦA MÌNH TRÙNG VỚI TÊN DOANH NGHIỆP KHÁC ĐƯỢC KHÔNG?

Việc đăng ký tên doanh nghiệp là một bước quan trọng trong quá trình thành lập và xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc liệu có thể đăng ký tên doanh nghiệp trùng với tên của doanh nghiệp khác hay không. Điều này không chỉ liên quan đến quy định pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và sự cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Hãy cùng HD Luật tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

HỒ SƠ THAY ĐỔI THÔNG TIN CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀ

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, các thương nhân nước ngoài ngày càng quan tâm đến việc mở rộng và củng cố sự hiện diện tại thị trường Việt Nam thông qua các văn phòng đại diện. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, việc thay đổi người đại diện pháp luật của văn phòng đại diện là một yêu cầu tất yếu và quan trọng, nhằm đảm bảo sự phù hợp với chiến lược kinh doanh, điều kiện thực tế và yêu cầu pháp lý. Thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật không chỉ phản ánh sự linh hoạt và thích ứng của doanh nghiệp trước những biến động trong môi trường kinh doanh mà còn đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật hiện hành. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích các khía cạnh pháp lý liên quan đến việc thay đổi người đại diện pháp luật của văn phòng đại diện, cùng những thủ tục cần thiết và lưu ý quan trọng để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và hợp pháp.