Chứng Minh Nhân Dân Có Thể Bị Hủy Bỏ Vào Năm 2025

08/02/2023

          Hiện nay, Bộ Công an đang lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Căn cước công dân dự kiến có hiệu lực vào năm 2024. Tại dự thảo này có nhiều quy định quan trọng về thẻ căn cước công dân, căn cước công dân điện tử, cấp đổi thẻ căn cước công dân và đặc biệt là Chứng minh nhân dân chỉ còn có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

1. Chứng minh dân dân chỉ còn được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024

            Khoản 1 Điều 45 dự thảo luật quy định: “Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024”. Như vậy, nếu quy định này không có gì thay đổi và được Quốc hội thông qua thì từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 chứng minh nhân dân sẽ không còn giá trị sử dụng.

           Tuy vậy, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp luật. Đặc biệt, dự thảo nghiêm cấm cơ quan quản lý nhà nước quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ nêu trên.

2. Nhiều quy định quan trọng về thẻ căn cước công dân

Độ tuổi cấp thẻ căn cước công dân:

           Theo dự thảo, người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện cấp thẻ căn cước công dân. Còn đối với người dưới 14 tuổi được thực hiện cấp thẻ căn cước công dân nếu có nhu cầu. Như vậy, căn cước công dân không chỉ được cấp cho người đủ 14 tuổi trở lên mà còn có thể cấp cho người dưới 14 tuổi.

            Ngoài ra, thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước các độ tuổi này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Xuất trình thẻ căn cước công dân:

            Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin sau:

            - Các thông tin về đặc điểm nhận dạng, họ tên, ngày sinh, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch.

            - Thông tin nghề nghiệp, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, nhóm máu, diện chính sách: lao động - thương binh, xã hội; giáo dục – đào tạo; y tế; bảo hiểm.

            - Thông tin về thân nhân trong gia đình như bố, mẹ, vợ, chồng, người giám hộ, thành viên hộ gia đình…

Các thông tin tích hợp vào thẻ căn cước công dân:

            Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước công dân gồm thông tin về: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác theo quy định của Chính phủ.

           Việc sử dụng các thông tin tích hợp từ thẻ căn cước công dân có giá trị tương đương như việc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác.

            Như vậy, khi căn cước công dân đã được tích hợp các thông tin trên thì khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… thì công dân không còn cần phải xuất trình các tài liệu mà đã được tích hợp.

3. Quy định về căn cước công dân điện tử

            Theo dự thảo thì căn cước công dân điện tử là tài khoản định danh điện tử, chứa thông tin được in trên thẻ căn cước công dân, thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước công dân và thông tin khác của công dân trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.

            Theo đó, công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 hoặc 2. Thời hạn cấp tài khoản định danh điện tử là 01 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1; 03 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

            Về giá trị sử dụng: Căn cước công dân điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

            Trên đây là các quy định quan trọng trong dự thảo Luật Căn cước công dân. Nếu không có gì thay đổi thì đây sẽ là quy định chính thức và có hiệu lực vào năm 2024. Vì vậy, Quý khách cần lưu ý để cập nhật quy định của pháp luật cũng như đảm bảo các quyền lợi của mình trong tương lai.

Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 02462.930.982 – 0988073181 hoặc email lawyers@hdluat.com - doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với Quý khách hàng!

Cùng danh mục

Những điểm Mới Của Dự Thảo Luật đất đai 2023 Sửa đổi

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân. Tại Dự thảo này có nhiều quy định mới để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn đang gặp phải. Đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Những quy định này HD Luật xin được gửi tới Quý khách ngay sau đây.

Chính Sách Mới Nổi Bật Có Hiệu Lực Từ Tháng 02/2023

Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 02/2023 (từ ngày 01 - 10/02/2023), đơn cử như: Các trường hợp miễn lệ phí đăng ký cư trú từ ngày 05/02/2023; Quy định về thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án; Bổ sung trường hợp TCTD không phải đáp ứng tỷ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ;…