Quy định về đại diện cho thương nhân mới nhất 2024

01/05/2024

Quan hệ đại diện có thể được thiết lập trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và bao gồm hai loại: Đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền (Điều 134, Điều 136, Điều 137, Điều 138 Bộ luật dân sự năm 2015). Vậy đại diện cho thương nhân là gi? Và đại diện cho thương nhân có những đặc điểm nào để phân biệt với các quan hệ khác? Bài viết sau đây sẽ làm rõ hơn vấn đề này.

1. Khái niệm đại diện cho thương nhân

Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.

Trong đó, các bên có thể thoả thuận về việc bên đại diện được thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện.

Trường hợp thương nhân cử người của mình để làm đại diện cho mình thì áp dụng quy định Bộ luật Dân sự 2015.

(Theo quy định tại Điều 141 và Điều 142 Luật Thương mại 2005)

2. Đặc điểm của việc đại diện cho thương nhân

Đại diện cho thương nhân có những đặc điểm sau:

- Quan hệ đại diện cho thương nhân phát sinh giữa bên đại diện và bên giao đại diện.

Trong quan hệ đại diện cho thương nhân thì cả bên đại diện và bên giao đại diện đều phải là thương nhân. Bên giao đại diện là một thương nhân có quyền thực hiện những hoạt động thương mại nhất định (như mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại) nhưng lại muốn trao quyền đó cho thương nhân khác, thay mình thực hiện hoạt động thương mại. Bên đại diện cho thương nhân cũng phải là thương nhân thực hiện hoạt động đại diện một cách chuyên nghiệp. Do đó, có thể thấy hoạt động đại diện cho thương nhân liên quan tới 3 chủ thể: bên giao đại diện, bên đại diện và bên thứ ba (có thể là một hoặc một số người). Trong quan hệ với bên giao đại diện, bên đại diện sẽ nhân danh chính mình nhưng trong quan hệ với bên thứ ba thì họ sẽ nhân danh bên giao đại diện mà không nhân danh chính mình. Do đó, trong phạm vi ủy quyền, bên đại diện được giao dịch với bên thứ ba và mọi hành vi do bên đại diện thực hiện trực tiếp mang lại hậu quả pháp lý cho bên giao đại diện. Khi bên đại diện giao dịch với bên thứ ba thì về mặt pháp lý, các hành vi do người này thực hiện được xem như là chính người ủy quyền (người giao đại diện) thực hiện. Bên giao đại diện phải chịu trách nhiệm về các cam kết do bên đại diện thực hiện trong phạm vi ủy quyền. Đây là điểm khác biệt cơ bản của hoạt động đại diện cho thương nhân so với các hoạt động trung gian thương mại khác. Trong quan hệ đại diện cho thương nhân, giữa bên đại diện và bên giao đại diện có sự ràng buộc khá chặt chẽ.

- Nội dung của hoạt động đại diện cho thương nhân do các bên tham gia quan hệ thỏa thuận.

Các bên có thể thỏa thuận về việc bên đại diện được thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện. Hoạt động đại diện cho thương nhân thường bao gồm: việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh cho thương nhân giao đại diện; được ủy quyền tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường, lựa chọn đối tác, đàm phán, giao kết hợp đồng với bên thứ ba trên danh nghĩa của bên giao đại diện và được tiến hành trọng suốt thời gian đại diện. Cùng một lúc, bên đại diện có thể tiến hành hoạt động này cho nhiều thương nhân nhưng không được nhân danh bên được đại diện để xác lập giao dịch với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 141 bộ luật dân sự năm 2015).

- Quan hệ đại diện cho thương nhân phát sinh trên cơ sở hợp đồng đại diện cho thương nhân.

Quan hệ đại diện cho thương nhân là quan hệ đại diện theo ủy quyền được quy định trong Bộ luật dân sự, bởi vậy, hợp đồng đại diện cho thương nhân là một dạng đặc biệt của hợp đồng ủy quyền. Khác với hợp đồng ủy quyền trong dân sự chỉ mang tính chất đền bù khỉ được các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định, hợp đồng đại diện cho thương nhân luôn mang tính chất đền bù.

3. Thời hạn đại diện cho thương nhân

Theo Điều 144 Luật Thương mại 2005, thời hạn đại diện cho thương nhân được quy định như sau:

(1) Thời hạn đại diện do các bên thoả thuận.

(2) Trường hợp không có thoả thuận, thời hạn đại diện chấm dứt khi bên giao đại diện thông báo cho bên đại diện về việc chấm dứt hợp đồng đại diện hoặc bên đại diện thông báo cho bên giao đại diện về việc chấm dứt hợp đồng.

(3) Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên giao đại diện đơn phương thông báo chấm dứt hợp đồng đại diện theo quy định tại (2) thì bên đại diện có quyền yêu cầu bên giao đại diện trả một khoản thù lao do việc bên giao đại diện giao kết các hợp đồng với khách hàng mà bên đại diện đã giao dịch và những khoản thù lao khác mà đáng lẽ mình được hưởng.

(4) Trường hợp thời hạn đại diện chấm dứt theo quy định tại (2) theo yêu cầu của bên đại diện thì bên đại diện bị mất quyền hưởng thù lao đối với các giao dịch mà đáng lẽ mình được hưởng nếu các bên không có thoả thuận khác.

4. Nghĩa vụ của các bên trong đại diện cho thương nhân

4.1. Nghĩa vụ của bên đại diện

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại diện có các nghĩa vụ được quy định tại Điều 145 Luật Thương mại 2005, cụ thể như sau:

- Thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và vì lợi ích của bên giao đại diện;

- Thông báo cho bên giao đại diện về cơ hội và kết quả thực hiện các hoạt động thương mại đã được uỷ quyền;

- Tuân thủ chỉ dẫn của bên giao đại diện nếu chỉ dẫn đó không vi phạm quy định của pháp luật;

- Không được thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa của mình hoặc của người thứ ba trong phạm vi đại diện;

- Không được tiết lộ hoặc cung cấp cho người khác các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại của bên giao đại diện trong thời gian làm đại diện và trong thời hạn hai năm, kể từ khi chấm dứt hợp đồng đại diện;

- Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hoạt động đại diện.

4.2. Nghĩa vụ của bên giao đại diện

Cụ thể tại Điều 146 Luật Thương mại 2005, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại diện có các nghĩa vụ sau đây:

- Thông báo ngay cho bên đại diện về việc giao kết hợp đồng mà bên đại diện đã giao dịch, việc thực hiện hợp đồng mà bên đại diện đã giao kết, việc chấp nhận hay không chấp nhận các hoạt động ngoài phạm vi đại diện mà bên đại diện thực hiện;

- Cung cấp tài sản, tài liệu, thông tin cần thiết để bên đại diện thực hiện hoạt động đại diện;

- Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại diện;

- Thông báo kịp thời cho bên đại diện về khả năng không giao kết được, không thực hiện được hợp đồng trong phạm vi đại diện.

 

Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 02462.930.982 – 0988073181 hoặc email lawyers@hdluat.com - doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với quý khách hàng!

Cùng danh mục

HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP TRONG TRƯỜNG HỢP BỊ THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP HOẶC THEO QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Giải thể doanh nghiệp là thủ tục chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, với tư cách là một chủ thể kinh doanh bằng cách thanh lý tài sản của doanh nghiệp để trả cho các chủ nợ. Giải thể là thủ tục để doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách hợp pháp. Vậy đăng ký giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án cần lưu ý những gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Trong quá trình thực hiện dự án, thông tin trên Giấy chứng nhận đầu tư có thể bị thay đổi tuỳ theo mục đích và phương hướng hoạt động của dự án đầu tư do nhà đầu tư quyết định, khi đó nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Do nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vì vậy, khi nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư thì phải thực hiện cả hai thủ tục là thay đổi trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hiện nay, thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi thực hiện thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quý khách cần lưu ý các vấn đề sau.