DOANH NGHIỆP MỚI THÀNH LẬP CẦN PHẢI LÀM NHỮNG GÌ?

07/06/2024

Sau khi thực hiện xong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp mới sẽ cần tiến hành một số công việc để giúp doanh nghiệp hoạt động hợp pháp. Vậy những công việc đó là gì? Hãy cùng tìm hiểu cùng chúng tôi trong bài viết dưới đây.

  1. Công bố nội dung đăng ký kinh doanh

Theo Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trong thời hạn không quá 30 ngày sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật.

Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:

  • Ngành, nghề kinh doanh;
  • Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).

Trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, những thay đổi tương ứng phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

  1. Khắc dấu, treo biển hiệu doanh nghiệp

Con dấu thể hiện tính pháp lý cho các văn bản được doanh nghiệp lập ra, vì vậy ngay sau khi thành lập, doanh nghiệp cần thực hiện việc khắc dấu. 

Theo Điều 34 Luật Quảng cáo năm 2012 về Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thì biển hiệu phải có các nội dung sau:

  • Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có).
  • Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • Địa chỉ, điện thoại.

Trong đó, tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); Tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp; Loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã; Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ); Địa chỉ giao dịch, số điện thoại (nếu có).

  1. Mở tài khoản ngân hàng

Theo Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính với những hóa đơn đầu vào có giá trị lớn hơn 20 triệu phải chuyển khoản, thì mới được khấu trừ thuế GTGT và ghi vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Như vậy Doanh Nghiệp phải mở tài khoản ngân hàng để giao dịch với khách hàng.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứ không cần thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp nữa.

  1. Đăng ký thuế lần đầu

Sau khi đã nhận Giấy phép kinh doanh và đã thông báo sử dụng mẫu con dấu thì doanh nghiệp phải liên hệ với cơ quan quản lý thuế trực tiếp để nộp một số giấy tờ khai thuế ban đầu.

  1. Khai, nộp lệ phí môn bài

Doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai, nộp lệ phí môn bài khi mới ra hoạt động kinh doanh cho Chi cục Thuế quản lý trực tiếp.

Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (sau đây gọi chung là Đơn vị phụ thuộc) kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh; thì, doanh nghiệp thực hiện khai, nộp lệ phí môn bài cho các Đơn vị phụ thuộc đó với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp có Đơn vị phụ thuộc kinh doanh ở khác địa phương cấp tỉnh; thì, các Đơn vị phụ thuộc đó tự khai, nộp lệ phí môn bài với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp mình.

  1. Bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán

Hoạt động của một doanh nghiệp thường khá nhiều và phức tạp, do đó tùy thuộc vào quy mô hoạt động của từng doanh nghiệp cần có người phụ trách kế toán.

  1. Các công việc liên quan đến lao động 

- Khai trình sử dụng lao động

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nếu doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

- Đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động

Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu doanh nghiệp có những đối tượng là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, là người quản lý điều hành doanh nghiệp có hưởng lương thì phải kê khai số lượng người lao động đó đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi công ty đặt trụ sở.

Nếu doanh nghiệp có người lao động thuộc đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội mà không đóng sẽ bị xử phạt, truy thu đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Thông báo về số lao động làm việc tại doanh nghiệp mới thành lập

Doanh nghiệp có trách nhiệm gửi Thông báo ban đầu về số lao động đang làm việc tại đơn vị (Mẫu số 28 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH) về Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập.

- Xây dựng và thông báo thang lương, bảng lương

Doanh nghiệp phải căn cứ theo Mức lương tối thiểu vùng hiện hành để quy định mức lương cho từng chức danh, công việc, nhóm công việc sao cho phù hợp với các nguyên tắc mà pháp luật quy định.

- Xây dựng và đăng ký nội quy lao động

Doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì phải có Nội quy lao động bằng văn bản.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành Nội quy lao động thì doanh nghiệp phải nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký Nội quy lao động với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

- Thành lập công đoàn

Điều kiện để có thể thành lập Công đoàn là phải có ít nhất 05 đoàn viên Công đoàn Việt Nam; hoặc, phải có ít nhất 05 người lao động có đơn tự nguyện xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Trên đây là những điều doanh nghiệp mới cần thực hiện sau khi thành lập. Để được hỗ trợ nhanh chóng, chính xác, kịp thời, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0988.073.181/0984.588.831hoặc email lawyers@hdluat.com - doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với Quý khách hàng!

Cùng danh mục

DOANH NGHIỆP ĐƯỢC CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể gặp phải các tình huống cần được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để tiếp tục duy trì tính hợp pháp. Việc cấp lại này thường xuất phát từ các nguyên nhân như mất, hỏng, hoặc thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận. Hãy cùng HD Luật tìm hiểu qua bài viết sau để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

ĐIỀU LỆ CÔNG TY

Điều lệ công ty là một văn bản quan trọng, đóng vai trò nền tảng trong việc xác lập cơ cấu tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp. Đây là tài liệu thể hiện các nguyên tắc, quy định nội bộ và quyền hạn của các thành viên, góp phần đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Việc xây dựng điều lệ phù hợp không chỉ đáp ứng yêu cầu pháp lý mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của công ty. Hãy cùng HD Luật tìm hiểu những vấn đề pháp luật về Điều lệ công ty trong bài viết sau.