CÁC HÌNH THỨC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM

19/05/2023

              Một trong những công việc cần làm khi nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam chính là tìm hiểu về các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và lựa chọn được hình thức phù hợp nhất với kế hoạch của nhà đầu tư. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng nắm rõ được các hình thức mà nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn khi đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, theo Luật Đầu tư 2020 thì có 04 hình thức đầu tư đó là: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; Thực hiện dự án đầu tư và Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC. Ngoài 04 hình thức này, tùy theo đặc điểm của từng thời kỳ mà Chính phủ có thể quy định thêm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới.

1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

             Đây là hình thức đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Với hình thức này, nhà đầu tư sẽ nắm giữ 100% vốn tại Việt Nam và đây là hình thức được đa số nhà đầu tư lựa chọn khi vào Việt Nam đầu tư. Tuy nhiên, khi thực hiện đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư. Các điều kiện này gồm:

           - Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

           - Hình thức đầu tư;

           - Phạm vi hoạt động đầu tư;

           - Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

           - Điều kiện khác theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

           Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

           Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, công ty do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

2. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế

            Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong  vào công ty TNHH, công ty hợp danh; mua cổ phần của công ty cổ phần; góp vốn vào các tổ chức kinh tế khác... Khi đầu tư theo hình thức này, nhà đầu tư nước ngoài không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mà thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế mà mình dự định đầu tư.

            Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn phải đáp ứng các điều kiện sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế:

            - Điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư;

            - Bảo đảm quốc phòng, an ninh;

            - Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

            Sau khi thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP

            Hợp đồng PPP là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.

            Các lĩnh vực đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP gồm:

            - Giao thông vận tải;

            - Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực;

            - Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải;

            - Y tế; giáo dục - đào tạo;

            - Hạ tầng công nghệ thông tin.

            Việc lựa chọn nhà đầu tư quốc tế được thực hiện thông qua các hình thức sau: Đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

            Tất cả các dự án PPP thì nhà đầu tư quốc tế đều được tham dự, trừ các dự án thuộc ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước.

4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

           BCC là viết tắt của từ Business Cooperation Contract, có nghĩa là Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.

           Đối với hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

           Đối với hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau thì phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư.

           Hình thức này phù hợp với những nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư ở Việt Nam ngắn hạn, chỉ thực hiện một hoặc một vài dự án nhỏ, không có nhu cầu thành lập tổ chức kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định.

           Trên đây là các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Mỗi hình thức đầu tư đều có những ưu và nhược điểm riêng. Tùy theo kế hoạch kinh doanh của nhà đầu tư mà nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức phù hợp để thực hiện đầu tư vào Việt Nam một cách hiệu quả nhất. Là một chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, HD Luật luôn cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tư vấn và giải pháp pháp lý tốt nhất để khách hàng lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp.

      Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 02462.930.982 – 0988073181 hoặc email lawyers@hdluat.com - doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với Quý khách hàng!

Cùng danh mục

THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY CỔ PHẦN

Quý vị đang có nhu cầu thành lập doanh nghiệp nhưng chưa biết loại hình nào phù hợp với mình? Quý vị đang tìm hiểu những quy định về thành lập công ty cổ phần? Bài viết dưới đây của HD Luật & Fdico sẽ hướng dẫn chi tiết cho quý vị về các bước để có thể thực hiện thủ tục thành lập công ty cổ phần.

THỦ TỤC TIẾN HÀNH GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

Giải thể doanh nghiệp là một công việc tương đối khó khăn, khó hơn việc thành lập doanh nghiệp mới rất nhiều vì làm phát sinh rất nhiều nghĩa vụ trong nội bộ doanh nghiệp và cả với cá nhân, tổ chức khác nên pháp luật có những quy định chặt chẽ về giải thể doanh nghiệp. Trình tự, thủ tục, hồ sơ giải thể công ty phải thực hiện như thế nào? Hãy theo dõi bài viết sau