NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI ĐẶT TÊN DOANH NGHIỆP 2024

25/03/2024

             Bạn có biết những tên nào mà doanh nghiệp không được đặt và cần lưu ý những điều gì khi đặt tên doanh nghiệp không? Tên doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khách hàng, người tiêu dùng, đối tác thường nhận diện qua tên công ty. Ai cũng muốn sử dụng một cái tên thật đẹp và phù hợp với công ty của mình, tuy nhiên theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì tên công ty phải đáp ứng các điều kiện nhất định thì mới được chấp thuận. Vì vậy, khi đặt tên công ty cần lưu ý những vấn đề sau đây.

1. Các quy định về đặt tên của doanh nghiệp

            Tên Tiếng Việt của doanh nghiệp: Theo quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm 2 phần: Tên loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Hai thành phần này phải được sắp xếp theo thứ tự <“tên loại hình doanh nghiệp” “tên riêng”>.

              - Đối với tên loại hình doanh nghiệp:

              + Nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn thì được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH”;

              + Nếu là công ty cổ phần thì được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP”;

              + Nếu là công ty hợp danh thì được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD”;

              + Nếu là doanh nghiệp tư nhân thì được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN”.

              - Đối với tên riêng: Được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, các chữ số và ký hiệu.

             Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài: Khoản 1 Điều 39 Luật Doanh nghiệp quy định: Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh (Hệ chữ La-tinh chính là các chữ cái trong bảng chữ cái Việt Nam và các chữ F, J, Z, W).

              Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

              Tên viết tắt của doanh nghiệp: Được viết tắt từ tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài của doanh nghiệp.

2. Các trường hợp thuộc tên trùng và tên gây nhầm lẫn

            Theo khoản 1 Điều 38 Luật Doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp dự định đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn thì sẽ không được cơ quan nhà nước chấp thuận. Điều 41 Luật Doanh nghiệp quy định về các trường hợp tên trùng và tên nhầm lẫn của doanh nghiệp.

            - Tên trùng: Là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký. Ví dụ: Nếu đã có một doanh nghiệp được thành lập có tên “Công ty TNHH Minh Long” thì doanh nghiệp khác không được đăng ký tên “Công ty TNHH Minh Long” nữa.

             - Tên gây nhầm lẫn: Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký gồm:

            + Tên tiếng Việt dự định đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;

            + Tên viết tắt dự định đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

            + Tên bằng tiếng nước ngoài dự định đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

            + Tên riêng dự định đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại hình đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

             + Tên riêng dự định đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;

            + Tên riêng dự định đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

           + Tên riêng dự định đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;

             + Tên riêng dự định đăng ký trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

3. Những điều cấm khi đặt tên công ty

            Theo quy định tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp thì pháp luật cấm:

            - Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với những tên doanh nghiệp đã đăng ký;

            - Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân,  tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

            - Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục dân tộc.

            Khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối tên đăng ký của doanh nghiệp nếu tên của công ty không đúng pháp luật, gây trùng, gây nhầm lẫn với công ty khác.

Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0988 073 181 - 0967 678 613 hoặc email doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với quý khách hàng!

Cùng danh mục

THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY CỔ PHẦN

Quý vị đang có nhu cầu thành lập doanh nghiệp nhưng chưa biết loại hình nào phù hợp với mình? Quý vị đang tìm hiểu những quy định về thành lập công ty cổ phần? Bài viết dưới đây của HD Luật & Fdico sẽ hướng dẫn chi tiết cho quý vị về các bước để có thể thực hiện thủ tục thành lập công ty cổ phần.

THỦ TỤC TIẾN HÀNH GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

Giải thể doanh nghiệp là một công việc tương đối khó khăn, khó hơn việc thành lập doanh nghiệp mới rất nhiều vì làm phát sinh rất nhiều nghĩa vụ trong nội bộ doanh nghiệp và cả với cá nhân, tổ chức khác nên pháp luật có những quy định chặt chẽ về giải thể doanh nghiệp. Trình tự, thủ tục, hồ sơ giải thể công ty phải thực hiện như thế nào? Hãy theo dõi bài viết sau